Vậy Đặt Tên Doanh Nghiệp Như Thế Nào Là Hợp Lệ
Căn cứ Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 18 Nghị định 78/2015 quy định về Đăng ký doanh nghiệp quy định về tên doanh nghiệp phải có đủ hai thành tố sau:
“TÊN DOANH NGHIỆP = LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP + TÊN RIÊNG”
Về loại hình doanh nghiệp sẽ được viết như sau:
+ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn viết là: “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”;
+ đối với công ty cổ phần viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”;
+ đối với công ty hợp danh viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”;
+ đối với doanh nghiệp tư nhân viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”;
Về tên riêng của doanh nghiệp được viết bằng:
+ các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt;
+ các chữ F, J, Z, W;
+ chữ số;
+ ký hiệu.
Để tên của doanh nghiệp được hợp lệ thì không được thuộc vào các trường hợp sau:
Theo Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014, pháp luật quy định các trường hợp cấm khi đặt tên cho doanh nghiệp như sau:
- Cấm đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã được đăng ký (đối với quy định về trùng tên hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đặt trước đó, Quý khách hàng xem thêm tại điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014)
- Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
- Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
--> Đối với trường hợp vi phạm các điều cấm trên thì Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
--> Trong trường hợp đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ mà chưa có sự đồng ý hoặc chấp thuận của chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp (tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) sẽ bị xử lý như sau:
- Phải tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu thay đổi tên của Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Hết thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vi phạm không thực hiện trong thời hạn quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo giải trình. Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
(Căn cứ điều 19 Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp)
Do đó, Quý khách hàng cần phải kiểm tra cẩn thận trước khi đặt tên doanh nghiệp, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra, vì tên doanh nghiệp rất quan trọng, là tên mà doanh nghiệp sử dụng để giao dịch, là phương thức mà khách hàng nhận diện doanh nghiệp, là thương hiệu mà doanh nghiệp tốn bao năm gây dựng. Nếu vì những lý do trên mà tên doanh nghiệp buộc phải thay đổi sẽ làm mất một lượng lớn khách hàng tiềm năng, mất đi nguồn doanh thu và phải mất một quãng thời gian dài để gây dựng lại danh tiếng, định hình doanh nghiệp trong lòng khách hàng.
ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM